“Nếu như trước đây, người ta ưa chuộng những dịch vụ, sản phẩm tài chính phức tạp, hợp với nhu cầu đa dạng, thì đây sẽ là thời gian quay về nhu cầu cơ bản. Các ngành về sản xuất trong nước sẽ lên ngôi như một đối tượng khách hàng được chào đón nhất gồm y tế, hàng cá nhân và gia dụng, công nghệ thông tin…”, bà Võ Lê Phương Nga, Giám đốc Tài chính AVSE Global, Giám đốc quản trị rủi ro Tài chính của Credit Agricole Corporate & Investment bank nhận định.
Theo chuyên gia, cấu trúc dịch vụ trong các nhu cầu cơ bản này cũng sẽ thay đổi. Tăng trưởng tín dụng sẽ không còn là chỉ số duy nhất đo hoạt động của khối ngân hàng và nền kinh tế. Thay vào đó là cấu trúc khách hàng cho vay và sự đổi mới sáng tạo trong các dịch vụ mới.
“Đây là cơ hội tốt để điều chỉnh danh mục tài sản, hạng mục cho vay và dịch vụ hướng tới sự bền vững, chứ ko hẳn chỉ là hướng tới sự an toàn”, bà Nga nói.
Sự thay đổi còn thể hiện ở các công nghệ số hóa và quy trình tối ưu các thủ tục vận hành trong khối ngân hàng tài chính. Theo đó, ngân hàng trực tuyến dự đoán sẽ tiếp tục lên ngôi.
“Các nhu cầu về tư vấn sẽ được thực hiện từ xa, từ bất kỳ vùng miền chi nhánh nào. Khái niệm ngân hàng bản địa được đặt ở các điểm dân cư sẽ dần được thay thế bằng sự gần gũi qua màn hình máy tính hoặc qua điện thoại cầm tay”, chuyên gia lấy ví dụ.
Ngoài ra, kinh tế tiền mặt, các dịch vụ tại quầy giao dịch được dự đoán sẽ rút ra khỏi guồng quay, thay thế bởi money mobile, mobile banking. “Dịch vụ tài chính nào càng phát triển, chủ thể của nó sẽ càng sớm ghi điểm và khẳng định vị thế. Đây là cơ hội cho các ngân hàng tầm trung vươn lên rút ngắn hoặc tạo khoảng cách với các ngân hàng lớn”, bà Nga nói.
Cũng theo chuyên gia, Chính phủ các nước chịu ảnh hưởng trong Covid-19 đã phản ứng quyết liệt và ngay tức thì, với loạt gói hỗ trợ cho nền kinh tế, cắt bỏ các quy trình rườm rà. Riêng tại Việt Nam, Chính phủ triển khai nhiều chiến lược hỗ trợ về an sinh xã hội, tài khóa, tín dụng. Bên cạnh bơm tiền trực tiếp vào nền kinh tế thông qua các gói hỗ trợ tới các doanh nghiệp và người dân, Chính phủ còn bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn thúc, đẩy hoạt động mở rộng lại sản xuất kinh doanh sau đại dịch.
“Điều này có tác dụng giúp cho doanh nghiệp mạnh dạn tìm các khôi phục kinh doanh, chứ không chỉ chờ hỗ trợ như một giải pháp tình thế. Cách này được ví như việc đưa cần câu cho doanh nghiệp, thay vì đưa cá để giải quyết nhu cầu tạm thời”, chuyên gia nhận định.